2 cổ phiếu ngân hàng tăng kịch trần phiên sáng 2/6
Cổ phiếu ngân hàng sáng 2/6 ngập trong sắc xanh với thanh khoản cải thiện mạnh mẽ.
Sáng 2/6, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực, VNIndex tăng 10,91 điểm lên 1.089,3 với lực kéo chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Toàn bộ 27 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong phiên sáng nay với thanh khoản cải thiện mạnh mẽ, trong đó nhiều mã tăng trần như KLB, NVB, VIB.
KLB của Kienlongbank tăng kịch biên độ từ sớm (+15%) lên 13.800 đồng/cp. Trước đó, phiên 1/6 cổ phiếu này cũng đã tăng hơn 13%. Thanh khoản KLB tăng mạnh trong 2 phiên gần đây, gấp 10-12 lần các phiên trước đó.
NVB của Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng tăng kịch trần (9,6%) lên 14.900 đồng/cp. Ngoài ra, VIB cũng có thời điểm tăng trần lên 23.050 đồng/cp. Nhiều cổ phiếu khác tăng trên dưới 5% như MBB, TCB, ABB, BVB,…
Các mã như TCB, BID, MBB, VCB, VPB, CTG, VIB đang là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số chung của thị trường.
Thanh khoản toàn ngành tăng mạnh với giá trị giao dịch buổi sáng hơn 3.300 tỷ đồng. Nhiều mã có thanh khoản tăng đột biến như VIB, TCB, MBB,…với giá trị giao dịch chỉ trong phiên sáng nay đã cao gấp 3-4 lần toàn phiên 1/6.
Các cổ phiếu nhỏ đang là tâm điểm trong 2 gần đây: KLB tăng 20%, NVB tăng 12,8%, ABB tăng 7%, BVB tăng 10%,…
Nhận định về triển vọng thị trường trong tháng 6, báo cáo mới đây của VNDirect chỉ ra nhờ hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế được ban hành, cán cân rủi ro/cơ hội của thị trường chứng khoán đang dần nghiêng về phía tích cực.
VNDirect cho rằng dòng tiền thông minh đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán khi thanh khoản của thị trường cải thiện dần trong vòng một tháng gần đây. Nhóm phân tích kỳ vọng những tín hiệu tích cực trên sẽ tiếp tục duy trì và VN-Index có thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.080- 1.100 điểm để hướng tới các cột mốc cao hơn trong tháng 6.
Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hoặc được hưởng lợi từ chính sách và xu hướng lãi suất giảm trong thời gian tới như nhóm chứng khoán, ngân hàng, đầu tư công, hạ tầng năng lượng (điện, dầu khí).