Eximbank điều chỉnh giảm room ngoại
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cổ đông lớn của ngân hàng Eximbank liên tục rời đi trong thời gian gần đây.
Cụ thể, hồi giữa tháng 1/2023, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thông báo đã chính thức bán xong 132,8 triệu cổ phiếu của Eximbank vào ngày 13/1/2023. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SMBC tại Eximbank giảm từ 15,07% (185,3 triệu cổ phiếu) xuống còn 4,27% (52,51 triệu cổ phiếu) và không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng này.
Trước đó, một nhóm cổ nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Thành Công cũng bán hết tổng cộng hơn 117,6 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank.
Cụ thể, trong thời gian từ ngày 7/10/2022 đến 31/10/2022, CTCP Tập đoàn Thành Công đăng ký bán thỏa thuận 60,54 triệu cổ phiếu EIB, tương ứng 4.924% đồng thời Hợp tác xã cổ phần Thành Công cũng đăng ký bán thỏa thuận hơn 44,7 triệu cổ phiếu EIB, chiếm 3.637%. CTCP Phúc Thịnh cũng đăng ký bán gần 12.4 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 1.005% vốn theo phương thức thỏa thuận.
Đây đều là những cổ đông có liên quan đến Thành viên HĐQT Eximbank Lê Hồng Anh. Hiện bà Lê Hồng Anh đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Công, đồng thời bà cũng là em chồng của người quản lý Hợp tác xã cổ phần Thành Công và là chị dâu của người quản lý CTCP Phúc Thịnh. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh cũng đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu EIB.
Sau đó, bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại, Thành viên HĐQT độc lập, một lãnh đạo khác có liên quan đến Tập đoàn Thành Công đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân.
Vừa qua, Eximbank đã tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường nhằm miễn nhiệm và bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT vào ngày 16/1/2023. Tuy nhiên, do không đáp ứng đủ số cổ đông tham dự nên ĐHCĐ bất thường lần 1 năm 2023 của ngân hàng không thể diễn ra thành công.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý IV/2022 tại Ngân hàng Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 cao gấp 3 lần năm 2021.
Trong đó, hầu hết các mảng kinh doanh đều mang lại lợi nhuận dương với thu nhập lãi thuần tăng tới 59% so với cùng kỳ, đạt 5.592 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 514 tỷ, tăng 19%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 54% lên 606 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác (chủ yếu đến từ thu hồi xử lý nợ) tăng 68% lên 428 tỷ. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kém khả quan hơn, đạt 87 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đạt 7.233 tỷ đồng, tăng 53,6% so với năm trước. Chi phí hoạt động tăng 36% lên 3.420 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CIR (chi phí/tổng thu nhập) có sự cải thiện đáng kể, giảm từ 53% xuống 47%.
Trong kỳ, Eximbank đã giảm chi phí dự phòng tới 90% so với cùng kỳ, chỉ ở mức 103 tỷ đồng, do những năm trước ngân hàng đã trích lập cao, và chất lượng tài sản có xu hướng chuyển biến tốt hơn.
Từ đó, lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 tại Eximbank đạt 528 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ. Như vậy, lợi nhuận cả năm tại ngân hàng này đạt 3.709 tỷ đồng. Trong năm 2022, Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, như vậy kết thúc năm tài chính 2022, Eximbank đã vượt 45% kế hoạch lợi nhuận.
Về chất lượng tài sản, tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản Eximbank đạt 185.045 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% lên 129.196 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 8,2% lên 148.614 tỷ đồng.
Về nợ xấu của Eximbank, tính tới thời điểm cuối năm 2022, nợ xấu ở con số 2.346 tỷ đồng, tăng 99 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 4,4% – mức tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu có sự cải thiện, giảm từ 1,96% xuống 1,8%.