Ngân hàng có phá sản được không? Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro mất tiền khi gửi ngân hàng?
Khi có tiền rảnh rỗi và không biết đầu tư gì, nhiều người chọn gửi tiết kiệm vào ngân hàng vì vừa an toàn, vừa có lãi. Vậy, gửi tiền vào ngân hàng có thực sự an toàn tuyệt đối? Nếu ngân hàng phá sản, liệu người gửi tiền tiết kiệm có rút được tiền?
Ngân hàng có phá sản được không?
Trên thực tế tại Việt Nam hiện nay thì chưa có một ngân hàng nào bị phá sản. Để một ngân hàng có thể phá sản thì là một điều khá khó khăn, bởi lẽ khi phía ngân hàng thương mại hoạt động không tốt thì phía ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo nhiều biện pháp để cứu vãn. Đồng thời, thủ tục phá sản cũng tương đối phức tạp với nhiều biện pháp phục hồi.
Tuy nhiên, nước ta cho phép ngân hàng, các tổ chức tín dụng được yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản. Phá sản là việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị tuyên bố phá sản bởi Toà án.
Theo đó, một ngân hàng có thể bị coi là phá sản khi ngân hàng đó rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách hàng.
Theo Điều 155 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (Điều này được bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) quy định cụ thể như sau:
– Sau khi NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
– Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.
– Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, NHNN thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng
Ngân hàng phá sản, người gửi tiết kiệm có rút được tiền?
Nếu ngân hàng phá sản, người gửi có thể sẽ không rút lại được toàn bộ số tiền mình đã gửi mà chỉ nhận lại được một khoản tiền bảo hiểm đền bù.
Theo Điều 6, Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, các NH nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách.
Trong đó, Điều 4, Luật này giải thích:
– Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
– Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
– Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.
– Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
– Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi, theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg, số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.
Theo đó, nếu NH phá sản thì người gửi tiền sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 125 triệu đồng.
Bên cạnh việc nhận tiền bảo hiểm, người gửi còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng khi phá sản sẽ được ưu tiên chi trả lần lượt cho các đối tượng lần lượt như sau: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT và các quyền lợi của người lao động. Sau đó mới đến các khoản tiền gửi.
Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro mất tiền?
Nhằm giúp khách hàng có thể gửi tiền an toàn và giảm thiểu các rủi ro thì chúng tôi lưu ý người gửi tiền cần phải chú một số vấn đề sau:
Nên chọn các ngân hàng lớn và uy tín để gửi tiết kiệm
Hiện nay, tại Việt Nam có thể kể đến 4 ngân hàng lớn nhất hiện nay thuộc sở hữu của nhà nước hay có vốn đầu tư của nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank. Hay khách hàng có thể tham khảo đến các Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như: Techcombank, Maritimebank, TP. Bank, v.v..
Có thể thấy, lãi suất của các ngân hàng thuộc Nhà nước thường có lãi suất thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân với mức chênh lệch khoảng từ 0- 2%. Tuy nhiên nó lại có độ tin cậy, an toàn và uy tín thì tiền gửi của bạn sẽ luôn được đảm bảo.
Khách hàng nên chọn kỳ hạn gửi tiền thích hợp
Hiện nay, các ngân hàng cung cấp rất nhiều kỳ hạn gửi tiền linh hoạt cho khách hàng cân nhắc và lựa chọn kỳ hạn thích hợp. Các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến 3 tháng, thậm chí 1 tuần, 3 tuần, hay các kỳ hạn dài là 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, v.v…
Theo đó, người gửi tiền nên dựa vào tình hình thực tế của mình để chọn kỳ hạn gửi tiền, nếu cảm thấy đủ tin tưởng thì hãy chọn kỳ hạn dài, nếu không chỉ nên chọn kỳ hạn ngắn để gửi.
Khách hàng cần giữ sổ tiết kiệm an toàn
Để phòng ngừa rủi ro mất tiền, người gửi tiền sau khi khi gửi tiền phải nhớ mang sổ tiết kiệm về nhà hoặc tìm đến dịch vụ tủ an toàn của ngân hàng để cất giữ tài sản, tuyệt đối không nên để sổ lại ngân hàng hay để cho nhân viên ngân hàng cất giữ hộ.
>>> Xem thêm